Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Có nên dùng nước bọt nhân tạo thời gian dài?

Họng khô và rát, nhất là buổi sáng khi vừa ngủ dậy. Bạn bè khuyên em nên dùng nước bọt nhân tạo nhưng em lo lắng không biết có dùng được trong thời gian dài không. Xin quý báo tư vấn giúp!

Nguyễn Lệ Hà (Lào Cai)

Khô miệng là một triệu chứng (chứ không phải là một bệnh lý) chiếm khoảng 10% dân số, trong đó, khoảng 70% số trường hợp gặp những vấn đề liên quan như hôi miệng, nhiễm khuẩn... Khi bị khô miệng, người bệnh thường cảm thấy khó chịu, khô niêm mạc miệng, đôi khi có cảm giác nóng rát, giảm hay mất vị giác, nhai, nuốt, nói khó khăn.

Nguyên nhân chính gây khô miệng là do nước bọt tiết ra ít hơn bình thường với các bệnh lý thường gặp như thiếu tuyến nước bọt, tuyến nước bọt bị nhiễm khuẩn do virut, vi khuẩn, nấm; bệnh tuyến nước bọt tự miễn làm phá hủy từ từ các mô tuyến nước bọt và hậu quả là làm giảm việc tiết nước bọt; teo tuyến nước bọt vì xạ trị khi điều trị các khối ung thư đầu và cổ; sỏi tuyến nước bọt; do ung bướu.

Ngoài ra, nước bọt ít còn do một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, lợi tiểu…, do cơ thể mất nước, thiếu máu hay mắc bệnh lý khác như rối loạn nội tiết, căng thẳng, lo âu, trầm cảm, thiếu hụt dinh dưỡng. Khô miệng có thể dẫn đến hậu quả dễ bị sâu răng và bệnh nha chu, teo, nứt niêm mạc (đặc biệt là môi) gây chảy máu, nhiễm trùng ngược dòng của các tuyến nước bọt...

Khi bị khô miệng, bạn có thể áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để giảm khó chịu, trong có có thể dùng nước bọt nhân tạo hay chất thay thế nước bọt có chứa carboxymethyl cellulose hoặc hydroxyethyl cellulose để làm ẩm và bôi trơn miệng.

Nước bọt nhân tạo có nhiều dạng khác nhau bao gồm nước súc miệng, xịt, miếng gạc, gel, viên tan trong miệng. Khi sử dụng, nước bọt nhân tạo có thể giúp làm giảm triệu chứng khô miệng trong thời gian ngắn nhưng nó không có tác dụng hóa học, không giống như thuốc nên không có tác dụng kích thích tuyến nước bọt tạo ra nước bọt.

Chính vì vậy, để chữa trị triệu chứng khô miệng triệt để, bạn cần đến bác sĩ nha khoa để tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng khô miệng của mình thì mới có biện pháp điều trị hiệu quả. Chẳng hạn giảm lo âu, căng thẳng, ngừng dùng thuốc gây khô miệng hay bổ sung dinh dưỡng...

BS. Nguyễn Văn Đức

0 nhận xét:

Đăng nhận xét